Khổ Lạc

KHỔ LẠC

(Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 8)

Vừa mới chào đời ấu nhi đã cất tiếng khóc, nỗi khổ đầu tiên mà con người gặp phải, là cảm giác lạ lẫm của ấu nhi ngay khi bước sang môi trường mới. Giai đoạn sau đó ấu nhi phải chịu nhiều uất ức do ốm đau bệnh tật mà không thể dùng lời để diễn tả cho cha mẹ biết ngoại trừ cách duy nhất là cất tiếng khóc la. Như vậy đã hết đâu, nếu sinh ra gặp cảnh gia đình nghèo khó, cơm cháo bữa đói bữa no, cha mẹ lo tảo tần kiếm miếng ăn từng bữa không thể chăm sóc chu đáo …. Thật khổ ải triền miên biết nói sao cho vừa.

Thời gian trôi mau, khi vừa có đôi có bạn con người lại phải đối mặt với những nổi lo toan vất vả của cuộc sống đời thường, vì chén cơm manh áo mà phải chịu bao điều khuất tất, phải làm những công việc mình không muốn. Đã vậy trong cuộc sống lứa đôi cũng không ít những nỗi khổ tâm, hai con người khác nhau muốn hoà hợp tất phải hy sinh, chịu đựng lẫn nhau ít nhiều.

Đến tuổi xế chiều con người lại phải đối mặt với những nỗi lo toan khác, bạn bè dần khuất bóng, khả năng làm kinh tế ngày càng khó khăn hơn, con cái ngày càng xa vắng dần vì chúng còn phải lăn lộn vào đời vì chén cơm manh áo, vì tương lai của đàn cháu thân yêu… và sau hết, giây phút về thế giới bên kia ngày càng đến gần… Thử hỏi trong suốt cuộc đời con người có mấy khi được an nhàn, sung sướng khỏi phải âu lo?

Chính vì thế thiên hạ luôn cảm nhận rằng thế gian này là bể khổ và cố công tìm đường giải thoát mong có ngày thoát khỏi những khổ đau hiện tại, siêu sinh về cõi vĩnh hằng. Để đạt mục đích đó con người đã nỗ lực rèn luyện không ngừng, tự kiềm chế tham – sân – si , thậm chí lẫn tránh cả danh- lợi – tình chỉ mong sao cho thân tâm không bị thiên nhiễm, hy vọng một ngày nào đó có thể thấy rõ bản lai diện mục, đạt thành chánh quả.

Nhưng liệu mọi nỗ lực đó có làm cho nhân loại thoát khỏi bàn tay vốn dĩ toàn năng của Tạo hoá không?

Hàng tỷ người đang sinh sống trong thế giới hiện tại, họ mưu sinh bằng những phương cách khác nhau, phải chịu bao nỗi lo toan, vất vả, đắng cay của cuộc đời…. vậy mà họ vẫn có thể vượt qua được, vẫn tồn tại được. Sao lại có thể như thế được?

Chỉ có ai đã từng lạc lối, từng bị cái nắng sa mạc thiêu đốt thì mới tận hưởng được cảm giác tuyệt vời khi ngậm vài giọt nước mát. Chính cái nắng của sa mạc đã gợi nhớ cho con người về một thiên đường bị bỏ quên. 

Tạo hoá vốn có Âm – Dương, khổ – lạc, hỉ – nộ, ái – ố, thiện – ác, hàn – nhiệt, u – minh, thiên đường – địa ngục … tồn tại đồng thời, luôn tiêu trưởng ẩn hiện chung cùng với nhau. Là con người sống trong tự nhiên, tất phải chịu sự chi phối của Tạo hoá ắt không thể thoát khỏi ảnh hưởng của khổ – lạc, hỉ – nộ, ái – ố…

Thay vì tránh né danh – lợi – tình hay cố thoát khỏi vòng cương toả của Tạo hoá, chi bằng chúng ta hãy can đảm lên đối mặt với thực tế, gia nhập cuộc chơi với Tạo hoá, xem chuyện Tạo hóa làm như thể trò vui. Cho đến một mai khi mà bản ngã có thể hoà nhập cùng Tạo hoá, cảm thông được với Tạo hoá, có thể an nhiên tự tại, tuỳ ý nhập thế – xuất thế thì còn lo chi chuyện giải thoát.

Điều quan trọng nhất là phải nhận thức được đâu là Chân lý và đâu là Giả lý. Tuyệt đối không chấp nhận các loại giả lý – là loại chân lý nữa vời chỉ đúng khi có những điều kiện nào đó đi kèm – vốn đã từng mang đến cho nhân loại những hy vọng hão huyền để rồi sau đó gậm nhấm nỗi chán chường vì thất vọng.

Chân lý vốn thường hằng trực ngự quanh ta, chỉ cần mở rộng tấm lòng đón nhận sự thật là có thể ngộ được ngay. Chỉ e rằng không xoá được những thành kiến cố hữu đã tồn tại trong tư tưởng – là trở ngại lớn nhất trên con đường tầm chân lý. Chân lý ở xa tận chân trời mà gần ngay trước mắt là vậy đó.

Tâm Thanh

Tác Giả Tâm Thanh Dịch Học Sĩ

Cùng Chuyên Mục

dung-cho

Trí Tri Ý Thức

TRÍ TRI Ý THỨC ĐỐI VỚI SỰ TỒN VONG CỦA MỘT DÂN TỘC (Trích Diễn …