Bài 18: Lý Số – Số Số – Tượng Số

Trên bước đường đi truy tầm Chân Lý (lẽ thật) muốn biết rõ được lẽ thật ở khắp mọi nơi, đời nối đời, kiếp nối kiếp, thời chúng ta phải vào đường Lý học truy nguyên vận dụng khả năng linh động và kém linh động sẵn có trong chúng ta mỗi người để truy nguyên về con người, về chính mình. Truy nguyên có nghĩa là tìm hiểu về con người hoặc muôn vật từ hữu thể hữu hình về đến siêu thể, siêu hình, có như thế mới thấy biết, hiểu biết được biến hóa linh động, mầu nhiệm và huyền diệu của ấm mát, nóng lạnh, sáng tối, mờ tỏ. Chúng ta sẽ trải qua hữu thể bắt gặp được các vật chất ăn ở tư tình, chung chạ với nhau trong một khối thể, tuy có nhiều chất nhưng mỗi chất vốn có đặc tính riêng và đang tự nhiên biết liên kết với một đặc tính hơi khác của nó…

 

Tất cả những đặc tính của vật chất nào bất kể, một khi đã được Lý Trí Tánh ở con người khám phá tìm hiểu qua thì chúng sẽ bị đóng khung ở văn học và số học của con người.

 

Những vật chất liên kết được với nhau đều tùy đặc tính mà liên kết đến thành khối thể, hiện tượng, hình dáng và rồi đến nay trong xã hội loài người các hiện tượng đó được bắc một nhịp cầu Số – Lý, muôn vật đến với con người sẽ bị con người dùng Số – Lý để ước tính, đo lường, phỏng định cho nhu cầu nhân dụng. Người truy nguyên trong giai đoạn đầu theo thông thường hay trải qua thắc mắc và cố gắng giải đáp trước Tiên Thiên về các hình tượng, hiện tượng, khối thể, cái học ấy gọi là Tượng Số Học.

 

Còn Số Số Học thì con người bày ra để tính toán cho mọi nhu cầu của con người, để ước định về một vấn đề,… Số Học, khi phải tiến vào siêu thể, vượt khỏi hữu thể hình tượng để cung phụng đáp ứng cho vô thể, siêu thể, siêu hình thì lẽ dĩ nhiên, Số Học phải đổi qua Bộ Mặt mới, so lại với nhau, đối đãi với nhau, chung đụng với nhau thì đó là Số Số. Có nghĩa là bất kể hữu thể, hình tượng, hiện tượng nào cũng có thể được qui về ước số, rồi một ước số đó giao dịch, giao cảm với một ước số, thì sẽ hóa thành điểm đích số kế tiếp (bất kể tăng giảm): Biến hóa của Số Số là hóa thành một điểm đích số, là đáp số của thắc mắc. Nhưng thắc mắc của con người, nhu cầu của con người là Trí Tri, Ý Thức, nhiều khi thắc mắc làm sao cho Số Số không giải thích được cho nên người đời chỉ còn tạm hiểu mọi vật bằng Số Lý. Đó là lý do hóa thành khoa Số Lý.

 

Con người khi phải đi đi, lại lại trong một hoàn cảnh Số Lý thường xuyên thì con người sẽ hỏi rằng: tại sao lại số đó mà không là số khác? Số đó có đúng không? Đúng cho sự vật hoặc việc đó không?

 

Xin thưa rằng đúng y nhau về số, nhưng trên đường Lý Biến Hóa và Tiến Hóa thì sẽ không bắt buộc y nhau được, vì còn tùy cơ duyên mà hóa thành kế tiếp về nhanh, chậm, ẩn, hiện, mờ, tỏ.

 

Số Số: ví dụ số 9, người học về khoa Số Số thì hiểu là 9 theo riêng ý mình rồi luận bàn: 9 ly, 9 tấc, 9 thước, 9 tỉ, 9 kg, 9 tạ,… g, kg, tạ khác với thước tấc phân ly, khác với giây, phút, ngày, giờ, tháng, năm, thế, vận, hội, ngươn… Đó là mạng của Số Số, người ta không còn biết gì nữa chỉ hiểu man mán là 9 trong muôn trùng Tình Ý về 9, thiên hạ sẽ dám hiểu 9 là 1, là 2, là 3, là 4, là số 0 … nhưng sự thật 1000 thước chỉ là 1km, 1km không là m nào.

 

Vậy, Số Lý là 9 thì bất kể 9 cái gì, tình ý nào thì nó sẽ hóa thành là không cũng được.

 

Vậy, Số Số là thấp hơn Số Lý đó vậy.

 

Số Số của Âm Dương thì chỉ là số không và Cực Số. Có thể hiểu rằng chỉ có hai số là số Vô Hữu, số Âm Dương tức Vô Cực Số đó vậy, dù chồng chất đến không đếm được thì cũng chỉ là Âm Dương Số mà thôi.

 

Tượng Số: nghe hoặc nhìn thấy hiện tượng, hình thể, nhận ra rồi tập luận về số đó chỉ là làm một nhịp cầu trừ, cộng, cộng trừ theo nhu cầu nhân dụng mà hóa ra cũng làm cho loài người hiểu được Số Lý. Khó hiểu được Số Lý thì sẽ khó hiểu về Lý Số hơn nữa. Vậy học giả nên thấu đáo đừng nhầm lẫn Số Số, Số Lý, Lý Số, Tượng Số thì mới nên vậy.

 

Học giả nào mà chưa vượt qua nỗi hiện tượng, âm thanh, hình thể thì chỉ còn chờ sự giả tạo, tuyên truyền đầu độc dẫn dắt cho tai mình nghe, mắt mình nhìn, rồi lấy sự giả dối đó dựng thành niềm tin cho mình với cuộc sống, đời sống triền miên bất mãn vì sai lầm, thay vì Vô Cực Tánh sẵn có trong mỗi người có đủ sức thỏa mãn và không sai lầm bất kể điều gì (Vô Cực Tánh có ôm ấp Vô Toàn Vô nên nó mới hiểu được Không Hoàn Toàn Không. Vô Cực Tánh hiểu được tất cả vì tất cả chỉ do Vô Cực mà ra, Vô không Cực làm gì có tất cả). Bất mãn sai lầm là tác hại cho đời sống, cho bản thân mình, cho bà con thân thích và thiên hạ chung quanh chớ không phải tầm thường, hãy xem khắp hoàn cầu đang đe doạ hạnh phúc nhân loại cũng vì Tượng Số Số, vì chờ nghe, chờ thấy, chờ gặp mới có niềm tin đó vậy. Theo lẽ, chờ nghe, chờ thấy, chờ gặp để cho hạ cấp, hoặc để chỉ phụ giúp hiểu biết thì đa số lại lấy đó làm chính yếu cho hiểu biết thì hóa ra chỉ phán xét và phán đoán sau khi ở tầm mức thấy nghe, gặp rồi.

 

Học về Âm Dương, chưa làm, chưa thấy, chưa nghe, chưa gặp mà vẫn hiểu biết được vì có lý, nếu hành động như thế, như thế thì đường đi dĩ nhiên trong đó có những điều xảy ra. Từ Âm đến Dương, từ Dương đến Âm. Hễ từ Âm đến Dương thì có những mấu chốt giống mà hơi khác với từ Dương đến Âm. Học giả chỉ cần hiểu thấu đáo 32 Ý Tượng Dịch, tức bằng như hiểu 64, cũng như hiểu tất cả. Khả năng của trí tuệ dùng thấy nghe mà làm cơ quan phụ lực để nhớ lại những công tác của trí tuệ, khi vân du qua quá nhiều thiên sự lý trong các miền Âm Dương trong cõi Vô Hữu uyên nguyên rồi khó nhớ lại được giống như đã trải qua, đó là vấn đề tinh thần, vật chất phải cùng có, cùng giúp nhau để tiến hóa mãi mãi trong Vũ Trụ Vô Hữu, không còn gì phải ngờ vực nữa cả.

 

Việt Nam Dịch Lý Hội

 

Dịch Lý Sĩ                                                                                                     Biên soạn

XUÂN PHONG                                                                                           CAO THANH

Tác Giả Tâm Thanh Dịch Học Sĩ

Cùng Chuyên Mục

Thư Mời Tham Dự – Mừng Ngày Truyền Thống Dịch Học Đường Tâm Thanh – 2022