Bàn Về Có Và Không

BÀN VỀ “CÓ” VÀ “KHÔNG”

(Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 6)

 

Thuyết nhà Phật trọng tâm nói về chữ “KHÔNG”. Phật giáo có muôn ngàn pháp môn, có hàng vạn kinh sách cũng nhằm để giáo hoá cho chúng sanh ngộ được chữ “KHÔNG” này. Dịch Lý Việt Nam cũng có bàn về danh từ “KHÔNG HOÀN TOÀN KHÔNG”.

Ở đây tôi không bàn về chữ “KHÔNG” với ý nghĩa cao siêu như vậy, tôi chỉ muốn nói đến trạng thái ” có ” và ” không” trong thực thể vật chất, trong cuộc sống hiện tại đời thường mà thôi.

Vũ trụ là một khoảng không vô tận, nhờ khoảng không đó các hành tinh có thể tự do vận động mà không húc lẫn nhau và chính vì vậy hàng tỷ tỷ các Thái dương hệ mới tồn tại đến ngày hôm nay.

Con người sống và làm việc cần phải có khoảng không gian, nhờ khoảng không gian đó mà con người mới có thể đi, đứng, nằm, ngồi, … sinh hoạt được, và có không khí để thở được.

Cây cỏ cần có khoảng không để lấy ánh sáng, không khí để quang hợp, để đâm chồi nảy lộc. Trên bề mặt lá cây có các khoảng không là khí khổng để hút nước và không khí. Trong thân cây và hệ thống rễ có các ống rỗng là các mạch vận chuyển dưỡng chất đến nuôi cành lá…

Một số tế bào sống ở dạng xốp để một số hoá chất ngấm vào làm cho tiến trình trao đổi chất có thể xảy ra được. Nhưng không phải tế bào nào cũng xốp mà đa số các tế bào có chứa chất dịch nhầy. Các chất dịch nhầy này cần phải ở trạng thái tự do để rồi sau đó mới có thể kết hợp với các nguyên tử khác trước khi chu du khắp cơ thể sống. Các nguyên tử khác cũng phải ở trạng thái chưa no (không) để rồi sau đó kết hợp với các vật chất khác “có”.

Vật chất như ta thấy là một khối liền lạc nhưng thật ra bên trong vẫn có các khoảng không để các nguyên tử có thể tương tác, hút đẩy nhau tạo thành một khối vật chất. Nếu không có các khoảng không này thì vật chất không tồn tại dù là ở dạng bụi…

Như ta đã thấy cái “không” tồn tại trong vạn vật, ở khắp mọi nơi…. nhưng nếu không có cái “có” vậy làm sao ta nhận thấy được đâu là cái “không” và lúc đó cái “không” dùng để làm gì??? Trong thực tế cả “có” và “không” đều tồn tại cùng lúc và đều cần thiết cho sự tiến – thoái hoá của vạn vật.

Dịch nhân chấp nhận cả “không” và “có” vì đó là lẽ thật muôn đời của tự nhiên – dù cho con người có chấp nhận hay chối bỏ nó thì nó cũng luôn hằng trực ngự và chi phối đến mọi hành động cũng như suy nghĩ của con người. Dịch nhân không thiên vị “có” hay là “không” mà đôi lúc cần phải quân bình “có” và “không”, đôi lúc cần phải thiên cực “có”, cũng có đôi lúc cần phải thiên cực “không” tuỳ theo nhu cầu của từng giai đoạn, từng mục đích của sự việc. Dịch nhân có thể an nhiên tự tại đi vào thiên hạ mà không bị câu thúc bởi “có” và “không”. Nói như vậy không có nghĩa dịch nhân là siêu nhân, dịch nhân chỉ là người biết khéo vận dụng “có” và “không” một cách linh hoạt để có thể hành xử cho đúng đạo trời mà thôi.

Sài gòn ngày 22 tháng 9 năm Giáp Thân

Viết xong giờ Phục -Thuần Chấn

Tâm Thanh

Tác Giả Tâm Thanh Dịch Học Sĩ

Cùng Chuyên Mục

Thạch Khí Công

THẠCH KHÍ CÔNG (Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 07) Không biết từ …