Kỷ Niệm Một Chuyến Đi

KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI

(Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 03)

Nhân một chuyến công tác dài ngày, tôi có dịp làm hướng dẫn du lịch cho hai vợ chồng khách người Đan Mạch. Vì là hướng dẫn viên nên tôi phải chăm lo việc ăn ở cho khách. Tôi vốn biết khẩu vị của Tây phương rất lạt vị vì thế tôi luôn chọn các món ăn có vị trung tính như gỏi ngó sen, cá hấp… để tránh không làm xáo trộn thói quen ăn uống của khách.

Có lần tôi cũng muốn giới thiệu món ăn đặc sản miền Tây Nam Bộ (hôm đó tôi đang ở Sóc Trăng) nên tôi đã gọi món canh chua và cá kho tộ. Khách thấy món ăn lạ nên nếm thử từng món.

Đầu tiên họ thử món cá kho, thấy mặn nên họ lại thử món canh chua.

Họ nhăn mặt hỏi tại sao chua quá (Thực ra các món đó rất ngon chỉ vì họ không quen với khẩu vị của người Việt nam). Tôi bèn hướng dẫn khách chan canh vào chén cơm xong rồi ăn cùng với cá kho tộ. Lần này họ khen ngon.

Tôi cười cười và bảo đó là văn hoá Việt Nam. Khách rất ngạc nhiên hỏi tôi nói như vậy là ý làm sao. Tôi giải thích cách người ta dùng một món chua và một món mặn phối hợp thành một bữa ăn tuyệt vời chính cách người Việt Nam sử dụng dịch trong cuộc sống đời thường – quân bình Âm Dương. Đến lượt tôi cảm thấy ngạc nhiên khi họ ồ lên và nhắc lại hai chữ “Yin Yang” (Âm Dương) vì từ trước đến giờ tôi luôn nghĩ người Tây phương không biết gì về Âm Dương.

Hôm sau tôi hướng dẫn hai người khách đó đi tham quan Nha Trang.

Đêm đầu tiên chúng tôi dùng bữa tối bằng món nem nướng tại quán nem Ninh Hòa của ông Đặng Văn Quyên. Trong lúc ăn khách hỏi có phải Dịch Lý xuất phát từ Trung Hoa không (à thì ra họ chỉ mới nghe nói về Dịch Tàu mà thôi). Tôi giải thích với họ rằng quan điểm của Dịch Lý Việt Nam (DLVN) khác hẳn với Dịch Tàu. Theo quan điểm DLVN thì Âm Dương là Đồng Nhi Dị và Âm Dương tồn tại cùng lúc.

Tôi đã dùng ví dụ về Âm Dương bằng một tờ giấy trắng có chổ đậm lợt …để cho họ thấy rõ lý Đồng Nhi Dị. Và cũng để minh chứng cho sự tồn tại cùng lúc của Âm Dương tôi bèn lấy một cái chén, một cái tô và một cái dĩa có sẵn trên bàn ăn và so sánh chúng theo từng phạm vi.

Khách cảm thấy rất thú vị vì cái sở học của họ về Âm Dương nay được hiểu theo một cách hoàn toàn khác.

Một bất ngờ nữa là trên đường về khách sạn đi ngang qua một quán bán thức ăn nhẹ có đăng một cái biển nhỏ viết mấy chữ “Same Same but Different” (giống giống nhưng mà khác) ông khách đó chỉ cho tôi tấm biển đó miệng thì nói “Yin and Yang”.

Không biết có phải Tạo hóa cố tình giúp tôi có thêm một minh chứng nữa cho Dịch Lý Việt Nam hay chỉ là một sự ngẫu nhiên kỳ thú?

Ngày hôm sau khách ra đảo chơi, tối về bị nhức đầu. Tôi nói tôi có thể trị dứt cơn nhức đầu trong vài phút. Họ tưởng là tôi đùa vì họ nói nếu uống đúng thuốc thì ít nhất cũng phải nữa giờ sau cơn nhức đầu mới thuyên giảm.

Tôi lại giải thích cho họ về nguyên lý của căn bệnh nhức đầu. Vì hôm đó ông ấy đã ở ngoài nắng quá lâu, nhiệt độ cao làm khô máu trong các mao mạch ở vùng da đầu dẫn đến tình trạng mao mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Khi máu lưu thông qua các điểm đó bắt buộc phải tăng áp suất lên để chen qua và gây chèn ép dây thần kinh dẫn đến hệ quả là bị nhức đầu. Chỉ có cách dùng kim khai thông các điểm tắc nghẽn đó để giải phóng sự chèn ép dây thần kinh, xua tan cơn nhức đầu. Đây là một cách giải quyết trực tiếp và hiệu quả rất nhanh chóng. (Mấy hôm trước tôi có giới thiệu qua các độc môn của người Việt nam trong đó có môn Chích Lể).

Cuối cùng tôi đã thuyết phục được họ bằng lòng để cho tôi chích lể.

Tôi đã lể bộ huyệt ổn định thần kinh ở vùng trán và như có phép màu, cơn nhức đầu nhanh chóng qua đi để lại cho khách một sự ngạc nhiên thú vị.

Hai người khách đó đã xin học phương pháp chích lể và tôi rất sẵn lòng chỉ bảo họ. Ngay trong đêm đó tôi dịch sang tiếng Anh những phần quan trọng trong cuốn sách dạy chích lể mà tôi luôn mang theo bên mình để ngày hôm sau đưa cho họ làm tài liệu.

Qua lời họ kể tôi được biết có khoảng vài trăm người Việt Nam đang sống và làm việc tại thị trấn của họ, nên tôi cố ý không dịch toàn bộ quyển sách đó mà bảo họ nếu có gì không hiểu thì tìm người Việt Nam mà hỏi, họ sẽ giải thích cho. Tôi muốn nhân cơ hội này gửi một món quà cho đồng bào mình đang sống tha hương.

Khi về đến Đan Mạch rồi, khách có e.mail hỏi tôi cách chích lể bệnh sưng khớp chân. Tôi có hướng dẫn khách cách trị, nhưng vì điều kiện công việc bận rộn nên tôi không có theo dõi tiếp xem kết quả ra sao.

Trước khi về nước, khách cám ơn tôi rất nhiều vì đã cho họ biết rất nhiều điều thú vị.

Sài gòn, giờ Sửu ngày 26 tháng 5 năm Quý Mùi

Tâm Thanh

Tác Giả Tâm Thanh Dịch Học Sĩ

Cùng Chuyên Mục

nhung-hinh-anh-am-ap-ve-tinh-thay-tro-xua

Hãy Là Người Thầy

“BE EDUCATOR!”: “HÃY LÀ NGƯỜI THẦY!” (Trích Diễn Đàn Dịch Lý Việt Nam số 07) …